Huy động được số lượng lớn vàng đang nằm trong dân có thể thành công và phát huy tác dụng, song cũng cần lưu ý tới vấn đề lạm phát, rủi ro về giá và tâm lý tích trữ trong dân.
Ông Phí Đăng Minh, nguyên vụ phó Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ với pv về quan điểm quản lý vàng miếng nhằm huy động số lượng lớn đang nằm trong dân, phục vụ cho phát triển kinh tế. Dưới đây là bài viết của ông.
Số liệu của Ths Trần Trọng Quốc Khanh công bố tại hội thảo vàng do Ngân hàng Công thương tổ chức ngày 15/3 cho thấy người dân đang giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD. Đây là nguồn vốn vô cùng quý giá, bằng cách nào Nhà nước có thể sử dụng để phát triển kinh tế đang là vấn đề lớn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nghiên cứu, mong muốn tìm ra các biện pháp khả thi, hiến kế cho Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân, hoán đổi ra ngoại tệ bổ sung cho quỹ ngoại hối dự trữ của Nhà nước, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.
Xét về lý thuyết thì việc này hoàn toàn có cơ sở, vì hiện nay giá vàng trong nước đã về ngang với giá quốc tế. Trong khi đó Nhà nước có chủ trương hạn chế dần và tiến tới không cho phép mua bán vàng miếng trên thị trường tự do. Nếu có cơ chế đảm bảo lợi ích của người dân như mua vàng theo giá quốc tế, thì việc Ngân hàng Nhà nước mua vàng trong dân có nhiều khả năng thành công.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.
Trước tiên cần tính đến việc phát hành tiền ra với số lượng khá lớn để mua vàng sẽ tác động đến chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI), mà việc này có thể chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát.
Do đó cần phải có những phân tích sâu sắc về việc tăng cung ứng tiền để mua vàng, Việc phát hành tiền để mua vàng có đặc điểm là được đảm bảo bằng vàng, ngoại tệ, nên ảnh hưởng đến lạm phát có thể không nhiều. Ngược lại nếu Nhà nước mua được số vàng trong dân, hoán đổi ra ngoại tệ sẽ góp phần cân đối được cung cầu ngoại tệ, giải tỏa được áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên cũng cần đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng, từ đó có thể rút ra mặt lợi, mặt hại của vấn đề này. Thực tế cho thấy biện pháp nào cũng có 2 mặt, song nếu “lợi” nhiều hơn “hại” thì vẫn nên lựa chọn.
Thứ hai, rủi ro sẽ rất lớn nếu sau khi Ngân hàng Nhà nước mua mà giá vàng thế giới giảm mạnh, như đã xảy ra trong những năm 1990. Thí dụ khi Nhà nước mua, giá vàng quốc tế là 1.400 USD một ounce. Sau 6 tháng giá vàng thế giới có thể giảm xuống còn 700 hoặc 1.000 USD một ounce. Khi đó mặc dù số vàng dự trữ trong kho không thay đổi về số lượng tuyệt đối, song giá trị hạch toán quy đổi ra ngoại tệ và VND sẽ giảm mạnh. Khi đó, yếu tố "an toàn", một trong ba nguyên tắc cơ bản về quản lý ngoại hối dự trữ của Nhà nước sẽ bị vi phạm, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước sẽ rất lớn.
Để tránh được các rủi ro về giá cả biến động, việc mua vàng dự trữ trong dân phải được xây dựng thành đề án hoàn chỉnh, có tính đến các biện pháp ứng phó cần thiết, đảm bảo số vàng mua được phải thực hiện hoán đổi ra ngoại tệ ngay, càng nhanh càng tốt mới tránh được thiệt hại.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến nhiệm vụ quản lý kinh doanh vàng, đã thành lập ra những cơ quan chuyên trách xử lý vấn đề vàng với những cán bộ được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp, đủ sức để nghiên cứu đưa ra các biện pháp ứng phó với các rủi ro nói trên.
Thứ ba, tâm lý mua vàng tích trữ đề phòng giá cả biến động đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân. Mặt khác trong nhiều năm qua chính sách quản lý vàng của nhà nước tương đối thông thoáng, việc mua bán vàng miếng, nữ trang khá thuận lợi, càng tăng thêm tâm lý muốn giữ vàng của người dân.
Vì thế việc huy động mua vàng của người dân sẽ không dễ dàng, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chính trị thế giới thiếu ổn định, lạm phát của nhiều nước gia tăng... Tuy nhiên, nếu Nhà nước có biện pháp tuyên truyền và kêu gọi người dân chung tay gánh vác thì dựa vào nhân dân, chắc chắn không có khó khăn nào không vượt qua được.
Trên thế giới, mỗi nước có một cách quản lý khác nhau. Trung Quốc là nước có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Từ năm 1949 đến năm 2001, nhà nước độc quyền về vàng, mọi hoạt động thu mua trong nước, kể cả xuất, nhập khẩu đều do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) đảm nhiệm.
Từ năm 2001 đến nay chính sách độc quyền nhà nước về vàng mới được nới lỏng có mức độ. Tháng 8/2001, các công ty kinh doanh vàng bạc mới được mua lại vàng trang sức từ dân chúng. Từ tháng 10/2002, Sàn giao dịch vàng Thượng hải chính thức hoạt động được coi là bước đột phá trong chính sách quản lý thị trường vàng của Trung Quốc. Nhưng phải đến tháng 12/2006 ngân hàng nhân dân Trung Quốc mới cho phép nhà đầu tư cá nhân giao dịch vàng miếng trên Sàn giao dịch vàng Thượng hải.
Kinh nghiệm quản lý vàng của Trung quốc là rất quý, nhờ có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước ổn định được thị trường tiền tệ, ổn định được tỷ giá và phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Hiện nay, tổng số vàng vật chất trên toàn thế giới quãng 163.000 tấn. Nhu cầu vàng của các nước trên thế giới năm 2010 lên đến 3.812,2 tấn, có giá trị tương đương 150 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009. Trong khi đó sản lượng khai thác vàng của thế giới chỉ khoảng 2.600 tấn mỗi năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vàng.
Giám đốc Hội đồng vàng khu vực Viễn đông Zheng Liang Hao cho biết: Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có nhu cầu lớn nhất về vàng. Năm 2010 mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ lên tới 963,1 tấn, tăng 66% so với năm 2009. Nhu cầu đầu tư vàng của Trung Quốc năm 2010 lên tới 179,9 tấn, tăng 70% so với năm 2009.
Khác với Ấn Độ, Trung Quốc là nước có nhu cầu đầu tư lớn về vàng song ngành công nghiệp khai thác vàng của Trung Quốc rất phát triển. Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục là nước có sản lượng vàng khai thác lớn nhất thế giới. Theo số liệu công bố chính thức của Trung Quốc, sản lượng vàng khai thác năm 2010 đạt 340,87 tấn, tăng 8,75% so với năm 2009. Đây là năm thứ tư Trung Quốc giữ vị trí thứ nhất thế giới về sản lượng khai thác vàng. Năm 2007, sản lượng vàng Trung Quốc khai thác là 270,5 tấn, năm 2008 là 282,01 tấn, năm 2009 là 313,98 tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do nhu cầu vàng cho các ngành công nghiệp, chế biến kim hoàn và đầu tư của các nước, đặc biệt là nhu cầu của Ấn Độ, Trung Quốc chưa giảm, cộng thêm khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, tiền tệ, lạm phát và tình hình chính trị của các nước Trung Đông chưa được cải thiện nên nhu cầu vàng của các nước năm 2011 có thể còn tiếp tục tăng. Không loại trừ khả năng một số nước có tỷ lệ dự trữ vàng trong tổng số dự trữ ngoại hối thấp sẽ mua thêm vàng để bổ sung, nhằm đa dạng hóa việc dự trữ ngoại hối và giảm bớt rủi ro khi nắm giữ quá nhiều đồng USD.
(VnExpress)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
Copyright © 2010 USS Corp . All rights reserved.
Thitruongvang.net là mạng thành viên của Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com
Giấy phép số 107/GP-TTĐT do Cục QLPTTT&TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/8/2009.
Ghi rõ nguồn "thitruongvang.net" khi bạn phát hành lại thông tin từ trang này.