Nếu như thông tin có thể ngừng giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do được bàn luận sôi động thì quy định mới nhất buộc ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng cũng được tranh cãi ồn ào không kém.
Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua đã ban hành Thông tư quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/5, các tổ chức tín dụng phải dừng việc cho vay vốn bằng vàng, trong đó bao gồm cả hoạt động cho vay lại giữa các tổ chức tín dụng với nhau và các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết. Đối với nghiệp vụ huy động vàng bằng phát hành chứng chỉ thì sau thời điểm này cũng bị giới hạn, và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào ngày 1/5/2012.
Tuy nhiên, quy định mới này đã khiến nhiều người "không phục". Theo ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu, việc ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng là một việc gây lãng phí rất lớn đối với tài sản trong dân. Lượng vàng tích trữ trong dân hiện lên tới gần 500 tấn, nếu khoảng 80% số vàng này được gửi ở ngân hàng thì sẽ sinh lãi rất lớn cho dân, còn về phía ngân hàng thì cũng đầu tư số vàng này vào những hoạt động sinh lời. Người dân thường có tâm lý trữ vàng ở nhà không an toàn, đi đâu cũng lo ngay ngáy. Có nhiều gia đình chồng con chơi bời, hư hỏng, sợ trữ vàng ở nhà sẽ bị lấy trộm bất cứ lúc nào. Có người còn ví, để vàng trong nhà như giữ... quả bom, không may cướp bóc, mất mạng lúc nào không biết.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, theo ông Châu, việc ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi việc này sẽ khiến người dân không còn “mặn mà” với vàng, có giao dịch, mua bán cũng chỉ cầm chừng, chứ không như trước đây cứ có tiền là họ đi mua vàng tiết kiệm. Một khi người dân “quay lưng” với vàng thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng “hết đường sống”. Ông Châu cũng cho biết, từ khi có thông tin ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng, lượng giao dịch tại doanh nghiệp đã bị sụt giảm khoảng 30 – 50% so với trước đây.
Ông Lưu Quang Điền, Giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, cho hay, hàng năm, các doanh nghiệp kinh doanh, chế tác vàng nộp thuế cho ngân sách Nhà nước một khoản đáng kể. Thế nên, một khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vàng ế ẩm thì sẽ ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước.
Theo một nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, các tiệm kim hoàn và doanh nghiệp chế tác vàng chắc chắn rất “buồn” khi nghe tin này. Bởi thông thường, nhiều tiệm vàng và doanh nghiệp vẫn có hoạt động gửi vàng hoặc vay vàng từ ngân hàng trong những trường hợp cần thiết.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho biết, hiện ở Việt Nam, có khoảng 45% tiền để dành của dân dưới dạng vàng nhất là ở nông thôn, 24% là tiền mặt gửi vào ngân hàng, số còn lại được đầu tư vào bất động sản. Nói cụ thể ra, đang có khoảng hơn 400 tấn vàng, tương đương gần 20 tỷ USD nằm trong dân. Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Ánh cho rằng, việc ngừng huy động, cho vay vàng còn biến nguồn lực tài chính dưới dạng vàng trong dân trở thành tài sản "chết". Nếu không huy động và cho vay vàng thì phải tìm biện pháp khác để sử dụng nguồn lực ấy, tránh lãng phí. Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nguồn vốn đầu tư lớn như hiện nay mà lại có một nguồn lực lớn đang "chết" trong dân sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc trong nước không huy động và cho vay vàng sẽ khiến vàng trong nước chảy ra nước ngoài bằng cách này hay cách khác. Khi đó Nhà nước khó mà kiểm soát được.
Để minh họa cho ý kiến này, ông Ánh cho biết, trong lịch sử Việt Nam cũng đã có thời gian không huy động vàng và kết quả cho thấy nguồn vốn trong dân bị lãng phí rất lớn. Trong khi hàng năm chúng ta phải huy động, vay tiền từ nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau thì hàng tỷ USD lại đang nằm chết trong dân không được huy động.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến cho rằng quyết định ngừng huy động và cho vay vàng chỉ mang lại tác động tiêu cực, thì không ít ý kiến lại có quan điểm ngược lại.
Một lãnh đạo của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, chính VAFI là một trong những đơn vị đã kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng tự do nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tăng giá trị VND, đồng thời là tiền đề để tăng dự trữ ngoại hối. Mà muốn xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do triệt để thì các ngân hàng cũng phải ngừng huy động và cho vay vàng. “Nguồn tiền trong dân đang nằm im hay “chết” trong vàng quá lớn, mà số tiền này không lưu thông vào sản xuất kinh doanh được. Nếu thực hiện nhanh chính sách này, trong vòng khoảng 7 năm nữa, Nhà nước có thể tạo ra một nguồn cung ngoại tệ khoảng 15 tỷ USD, đồng thời giải phóng được một nguồn vốn “chết” khổng lồ để hướng luồng vốn tích trữ này đi vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế”, vị này nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng, việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng tác động không đáng kể tới đại đa số người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn. Bởi các hoạt động này chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. 31 tỉnh, thành khác có tỷ trọng huy động vốn bằng vàng bình quân khoảng 0,5% trên tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước, và thậm chí 30 tỉnh, thành còn lại không phát sinh nghiệp vụ này.
(Báo Đất Việt)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
Copyright © 2010 USS Corp . All rights reserved.
Thitruongvang.net là mạng thành viên của Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com
Giấy phép số 107/GP-TTĐT do Cục QLPTTT&TTĐT - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/8/2009.
Ghi rõ nguồn "thitruongvang.net" khi bạn phát hành lại thông tin từ trang này.